Cũ Rích Đầy Mâu Thuẫn

 

Sau ngày DVD “Sự Thật về Hồ Chí Minh” của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Saigon ra đời, đã có một vài bài viết liên quan tới DVD đăng trên các trang mạng của báo Đảng. Mục đích của bài viết là để đối kháng lại nội dung trong phim; tuy nhiên, sau khi xem qua, người ta không nhận ra điểm đối chiếu nào có tính thuyết phục, bởi vì đó cũng chỉ là những luận điệu suông, không đưa ra dẫn chứng một cách cụ thể.

 

Gần đây nhất là bài của ông Lê Trọng Văn. Thật ra, chỉ một cái tựa “Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Bác Hồ đời đời” đã tự đưa ra tính chủ quan và áp đặt. Nếu toàn dân đã có ý như vậy thì hoá ra ông cựu thủ tướng cộng sản Võ Văn Kiệt đã nhận xét cho rằng sau khi cộng sản cướp lấy xong miền Nam thì “hàng triệu người vui cũng có hàng triệu người buồn” là sai lầm sao?  Ông Kiệt đã không dám “mở mắt” thật sự, nhưng chỉ hé ra một chút ánh sáng cho cuộc đời còn lại của ông. Biết đâu cũng vì câu nói để đời đó mà quãng đời cuối của ông đã không được yên thân. Theo tin RFA và SBTN, có nghi vấn là phe đảng miền Bắc đã ngấm ngầm cho tiêm một mũi thuốc khi ông nằm bệnh viện tại Saigon. Sau đó ông được đưa sang Singapore và chết nơi ấy với khám nghiệm trong người có thuốc độc. Có phải ông Kiệt đã mất mạng vì đã đi hơi chuyệch hướng, quên ca bài “nhất trí” và khẩu hiệu “toàn dân.” Ông lại dám phân biệt hai khối người rõ rệt, và đó là kết quả của những gì Hồ Chí Minh đã làm ra.

 Không hiểu tại sao ông Văn đề cao “toàn dân” Việt Nam đang bám chặt vào thành trì xã hội chủ nghĩa, “toàn dân” nhớ ơn “Bác” vì “Bác” đã có công dựng nên cái xã hội thiên đường đó, mà ông Văn không ở lại Việt Nam sinh sống với “toàn dân”? Ông phải nên sống ở Việt Nam để chứng nghiệm thực tế cuộc sống “tốt đẹp” do công ơn của “Bác Hồ” dựng nên thì bài viết ca tụng “Bác” có thể giá trị hơn.

 Người ta từng nghe lối bày tỏ “tôi chỉ là người Việt Nam bình thường như mọi người Việt Nam khác biết yêu thương quê hương và nòi giống Lạc Hồng. Tôi không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hay hội viên của bất cứ tổ chức chính trị nào.” Ông Văn không phải đảng viên cộng sản và đang ở California, Hoa Kỳ, coi như tiểu bang đại diện cho người tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại, ông lại tôn thờ lãnh tụ cộng sản Hồ không khác những bồi bút trong nước nhan nhãn trên hàng triệu cuốn sách và hàng trăm tờ báo do Đảng kiểm soát. Luận điệu như vậy có thuyết phục được người đọc không?

 

 Dù ông Văn đang đóng một vai trò gì hay đang thực hành một nhiệm vụ gì đó, ở đây bài này muốn vạch rõ những sơ hở trầm trọng trong bài viết có tính giáo điều, nói suông của ông.  Bài viết của ông là một trong hằng ngàn bài viết có hơi hướng giống nhau, ngôn ngữ giống nhau, luận điều giống nhau mà người dân trong nước đã bị nghe bị đọc dù muốn dù không. Tôi được may mắn không nằm trong “toàn dân” đó nên mới có cơ hội đối phó lại, và mong có những người tìm đến nhau đọc thông tin nhiều chiều trên internet để tự đưa ra cho mình một nhận xét riêng.

 

 Lê Trọng Văn cho rằng lý do ông viết bài trên vì “Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ riêng của Việt Nam mà đích thực Hồ Chí Minh là vĩ nhân của thế giới.” Hồ Chí Minh là lãnh tụ của cộng sản Việt Nam thì không sai. Hồ là người của thế giới cũng không sai, và chính cá nhân Hồ đã góp phần vào tội ác mà nhân loại thế giới phải kinh hoàng với con số trên 100 triệu mạng ngưòi chết do cộng sản gây ra. Còn vĩ nhân? Ngoài sách báo cộng sản Việt Nam, chưa ai ca tụng Hồ Chí Minh là vĩ nhân, ngay cả những ông tổ cộng sản của Hồ như Stalin còn đặt cho Hồ một biệt danh “người cộng sản ngu dốt.” Tác giả William Duiker trong “Ho Chi Minh A Life” cho rằng Hồ chưa hề có tư tưởng gì cả so với những chính trị gia thế giới khác.

 Càng ngày ngưòi dân trong nước càng hiểu thêm về tội ác của ông Hồ và Đảng nên mới có những vụ bắt bớ những chủ nhân các blogs. Mới đây nhất công an đã ngang nhiên hành hung vợ chồng nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ ngay lúc ban ngày bất chấp dư luận.Thế nhưng Đảng vẫn còn tin vào những thành phần Đảng đang cai trị theo chính sách ngu dân, nên mới có những con người làm công tác “thuộc bài” như Lê Trọng Văn. Xét ra, bài viết của ông Văn có lẽ muốn cho ngưòi đọc thấy ra góc phản chiếu 180 độ đối với những gì trong DVD “Sự Thật về Hồ Chí Minh.” Phim chỉ đưa ra những sự thật về ông Hồ một cách rất khoa học, có dẫn chứng, có tài liệu, có nhân chứng sống…Người xem xong phim tự đánh giá trị con người Hồ Chí Minh. Sử gia, học giả, nhà báo, cựu đảng viên, sinh viên – không ai có một câu áp đặt nào, mà họ chỉ trình bày và đưa ra nhận xét.

 

 Mưa lâu thấm đất, cũng như Hồ Chí Minh đã từng dạy cán bộ: “Các chú cứ nói láo. Nói láo mãi rồi cũng có người tin là như vậy.”  Đảng “giáo dục” dân lúc nào cũng phải nghe theo Đảng. Dù không tin Đảng, nhưng trong hoàn cảnh bị nhồi nhét, bị tẩy não, nhất là kế hoạch làm nhục chí, chỉ biết quay quần với miếng ăn, vui chơi, không quan tâm tới những sinh hoạt chính trị. Vì thế mà có những điều xem ra sơ đẳng ở những xã hội văn minh, nhưng ở Việt Nam có những người dân chưa nhận ra được như quyền làm người, một thứ quyền thiêng liêng mà thượng đế đã ban cho. Đó là quyền được phát biểu, quyền được tự do đi lại, quyền được có đời sống tinh thần, quyền được mưu cầu vật chất, v.v..

 

 Ông Lê Trọng Văn (giống như nhiều bồi bút khác của Đảng) dùng nhiều sáo ngữ hay danh từ dao to búa lớn: “sự nghiệp cách mạng, toàn dân đoàn kết kháng chiến giành độc lập, tiên phong trong công cuộc giải phóng dân tộc…” Cần thiết hay không để giải thích ý nghĩa của những từ này đi đôi với hoàn cảnh đất nước trong giai đoạn đó?

 

Cách mạng. Cách mạng, theo đúng nghĩa, là thay đổi từ tình trạng xấu thành tốt hơn. Người cộng sản hay tự cho mình là có “sự nghiệp cách mạng” để nói lên rằng đó là một cái nghề toàn thời gian chuyên làm chuyện thay đổi, mà cái nghề này là theo cách của Lenin chỉ dạy – chuyên nghiệp (full-time professional revolutionary). Cách mạng của cộng sản thuần tuý là đạp đổ, xoá bỏ hoàn toàn những hệ thống, những gì đã có sẵn dù mang giá trị vĩnh viễn như tôn giáo, phong tục tập quán.

 

 Kháng chiến giành độc lập. Cộng sản muốn nói tới cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Minh và họ xem đó là một lý do nổi cộm nhất để đưa Hồ Chí Minh thành người có công lao với dân tộc Việt Nam. Phân tách kỹ lưỡng về những giai đoạn và hiện tượng xảy ra trong thời gian Việt Minh có chiến tranh với Pháp, chúng ta mới thấy rõ Hồ Chí Minh không có chủ trương chống Pháp mà ngược lại còn yêu cầu Pháp trở lại Việt Nam để cùng phe Hồ cai trị. Chứng minh rõ rệt nhất là Hiệp Ước Sơ Bộ giữa Hồ Chí Minh và đại diện Pháp Jean Sainteny, ký ngày 6/3/1946, đã cho phép 15 ngàn quân Pháp đổ tại Hải Phòng rồi tiến chiếm miền Bắc và sau đó Pháp cùng Việt Minh triệt hạ các đảng phái quốc gia. Lúc này Hồ đã bị dân gian kêu tên là “Hồ Chí Minh bán nước” mà chính Trần Dân Tiên (bút danh của Hồ Chí Minh) đã cố gắng biện hộ trong lập luận yếu ớt, khập khễnh. Nhưng rồi Hiệp Ước này chỉ áp dụng được 3 tháng thì chính trường bên Pháp thay đổi – Đảng Xã Hội và Đảng Cộng Sản Pháp đã không còn nắm quyền quốc hội nữa. Chính phủ Pháp đã tuyên bố chiến tranh với phe Hồ Chí Minh ngay khi Hồ có mặt tại Pháp trong lúc tổ chức hội nghị tại Fontainebleau từ 7-9/ 1946. Lý do của cuộc chiến này không gì hơn là chống lại làn sóng cộng sản mà Hồ Chí Minh là thủ lãnh. Cuộc chiến bùng nổ thật sự 19/12/1946. Ông Hồ trong thế chống đỡ. Từ tư thế van xin được đứng chung với Pháp, muốn Pháp trở về Việt Nam cai trị sang tư thế là kẻ đối thủ, ông kêu gọi toàn dân cùng ông chống Pháp với chiêu bài Pháp “xâm lược.”

 

Mặc dù Pháp đã thua Việt Minh trận Điện Biên Phủ 5/1954, nhưng cuộc chiến tranh ý thức hệ còn tiếp diễn cho tới 30/4/1975. Không thể có cái gọi là “kháng chiến giành độc lập.”  Hơn nữa, trong năm 1946 này Pháp cũng như các nước Âu Châu có thuộc điạ coi như đã theo chính sách của cố tổng thống Hoa Kỳ F.D. Roosevelt trao trả độc lập cho tất cả các nước bị thuộc địa.

 

 Ông Lê Trọng Văn đã ghi ra 10 cuốn sách viết về Hồ Chí Minh của các tác giả như Pierre Brocheux, Peter A Decaro, William Duiker, Charles Fenn, Jean Lacouture…và có vẻ tỏ ra hiểu sâu rộng vì đã nghiên cứu những sách này. Không biết ông Văn có đọc qua những dòng sau đây của ông Brocheux trong “Biography of Ho Chi Minh”, (trang 122):

 He wrote daily about where he went, what he did, and whom he met (without personal comments about the people, however). He also noted international events that were important to him, like the declaration of independence in the Philippines in July 1946 and the U.S. atomic tests on Bikini Atoll. But was it through ignorance or courtesy that he failed to mention the French evacuation of Lebanon and Syria in 1946, when France was forced to give up his colonialist claims in the Middle East?

Ông ta (Hồ) viết mỗi ngày nơi ông đã đi qua, ông đã làm gì, và những ai ông đã gặp ( tuy nhiên, ông lại không ghi những ý kiến của những người này). Ông ta đồng thời ghi nhận những hiện tượng quan trọng đối với ông, như ngày độc lập của Philippines vào tháng 7/1946 và vụ thử nguyên tử tại Bikini Atoll của Mỹ. Nhưng mà vì ngu dốt hay tế nhị mà ông ta đã không ghi ra việc Pháp rút khỏi Lebanon và Syria vào năm 1946, khi Pháp bị áp lực từ bỏ những quyền lợi thực dân tại Trung Đông?

 Thật vậy, 4 tháng ở Pháp từ 6-9/1946, Hồ Chí Minh đã gặp rất nhiều người, đa số là những bạn bè và thành viên cộng sản để yêu cầu vận động với chính phủ Pháp công nhận ông ta là chủ tịch của “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà” và bằng lòng về Việt Nam hợp tác với Việt Minh để cùng hưởng lợi, nhưng tất cả đã quay lưng lại với Hồ cùng những lời từ chối thẳng thắn. Quốc hội Pháp do thành phần cứng rắn nắm quyền nên những cá nhân cộng sản này cũng không làm gì được để giúp người lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh.

 

Như trên, thủ đoạn của Hồ Chí Minh bị Brocheux vạch trần khi nhắc tới vụ Pháp trả độc lập cho Lebanon và Syria vào 1946 mà Hồ cố tình không nhắc tới, bởi vì nếu nêu ra hành động không còn thực dân của Pháp thì lấy cớ gì để kêu gọi toàn dân chống Pháp? Còn hành động thân Pháp cộng trước đó thì Hồ lại lý luận lấp liếm là “cầu hoà” không muốn chiến tranh. Gian manh đến mức nhiều sách báo Đảng và trong bài viết của ông Văn cho rằng chính Hồ Chí Minh là người tiên phong đánh thực dân Pháp nên các nước khác mới được trả độc lập!

 

Lê Trọng Văn đã đọc sách của William Duiker như ông ta đã ghi ra. Vậy, ông Văn có thấy hình ảnh Hồ Chí Minh với gương mặt lo sợ (nói theo văn phong của Đảng là cực kỳ lo sợ) chụp chung với Jean Sainteny tại phi trường bên Pháp trên đường đi vận động liên quan tới hội nghị tại Fontainebleau. Hồ đã đoán biết tình hình chính phủ Pháp đang thay đổi thành phần lãnh đạo, họ sẽ thẳng tay trừng trị cộng sản.

 

 

 

Ho Chi Minh A Life by William Duiker, (page 426): In early June 1946, the French representative Jean Sainteny escorted Ho Chi Minh from Biarritz to Paris to attend the peace conference at Fontainebleau. Here Ho and Sainteny await the arrival of their plane at the airport in Paris. Sainteny, in his memoirs, noted that Ho Chi Minh appeared exceptionally nervous on the occasion.

Vào đầu tháng 6, 1946, đại diện Pháp Jean Sainteny hộ tống Hồ Chí Minh từ Biarritz tới Paris để dự hội nghị hoà bình tại Fontainebleau. Tại đây Hồ và Sainteny chờ chuyến bay tại phi trường ở Paris. Sainteny, trong cuốn sách hồi ký, đã ghi nhận rằng Hồ Chí Minh tỏ ra rất lo sợ một cách lạ thường trên những vấn đề đang xảy ra tại hội nghị Fontainebleau.

 

Trong hồi ký của Sainteny, ông diễn tả nét “cực kỳ lo sợ” (exceptionally nervous) của Hồ Chí Minh đi đôi với tấm hình chúng ta thấy ở trên. Như vậy thì xác quyết là cuộc chiến tranh giữa Pháp và phe Việt Minh của Hồ Chí Minh không thể gọi là “kháng chiến” hay “giành độc lập” gì cả. Hồ Chí Minh trong thế bị tấn công bởi vì ông là một lãnh tụ cộng sản, nguy cơ cho nền an ninh của khối tự do. Đơn giản có vậy!

 

 

 

Hơn nữa, nói tới “độc lập” theo lối cộng sản thì thật là mỉa mai! Hồ Chí Minh đã là tay sai đắc lực của Nga Tàu kể từ khi là thành viên của cộng sản đệ tam quốc tế. Hệ luỵ ông để lại và di sản là Đảng Cộng Sản Việt Nam độc tài toàn trị, tàn phá đất nước, áp bức dân tộc. Sau hơn 34 năm thống trị toàn cõi lãnh thổ, Đảng lệ thuộc Trung Cộng càng lúc càng nặng nề hơn: Đảng dâng đất nhượng biển, hiến đảo Hoàng Sa-Trường Sa, cho người Tàu vào khai thác Bauxit gây thiệt hại môi trường cũng như lợi thế chính trị của người chiếm giữ, hàng hoá Tàu thì tràn ngập thị trường. Thế nhưng mỗi ngày báo Đảng, đài Đảng, sách Đảng, cộng thêm thành phần “Việt kiều” như Lê Trọng Văn vẫn không ngớt hô la hai chữ “độc lập.”

 

 

 

Giải phóng dân tộc (Liberate the people, set free).  Giải phóng dân tộc là giúp người dân của một quốc gia thoát khỏi áp bức để họ được tự do, một nguyên tắc căn bản rất dễ hiểu. Với ngưòi cộng sản thì lại khác, họ hay hãm hiếp ngôn ngữ. Áp đặt vào đầu vào cổ dân một chủ nghĩa vô nhân bản, tước đoạt tất cả quyền làm người của toàn dân thì được gọi là “giải phóng dân tộc.” Độc tài lại đi “giải phóng” tự do?

 

 

 

 Để đối phó lại những trình bày tố giác tội ác của Hồ Chí Minh và Đảng đối với đất nước và dân tộc, người cộng sản nghĩ ra phương cách, nhất là nhắm vào tâm lý quần chúng. Bài học là dùng “nhân dân, dân tộc” như một cái cớ. Cái gì cũng gán ghép “nhân dân” vào để che lấp đường lối xem nhân dân là thù địch. Người ta cũng thường nghe những công an mạng hay cán bộ Đảng nói chuyện trên các diễn đàn Paltalk cố tình làm cho người dân trong nước có ác cảm với người Việt hải ngoại: “các người chống dân tộc, chống người dân trong nước…” Đó cũng là luận điệu của Lê Trọng Văn trong bài viết của ông ta.

 

 

 

Ông Văn cho rằng người Việt hải ngoại sống với quá khứ cũng là lối áp đặt vô cớ. Thật ra, chính Đảng Cộng Sản mượn quá khứ và hình ảnh cùng thân xác Hồ Chí Minh tại Ba Đình làm bùa hộ mạng, đặt để cho một chuyên viên hành động thành người có tư tưởng. Nhiều huyền thoại quá về Hồ Chí Minh! Một nhà văn nữ trong nước từng là đảng viên gương mẫu, Dương Thu Hương, đã giản dị hoá cho người ta dễ hiểu về mức độ Đảng “say mê” ông Hồ: Đảng làm tình với một xác chết!  Đảng không có chính nghĩa để bám víu. Khô khan và kém cỏi đến nỗi họ chỉ còn dùng vũ lực là hành trang hàng đầu để cai trị dân.

 

 

Ông Văn viết bài chống lại DVD của nhóm linh mục Nguyễn Hữu Lễ, trong đó có phần trình bày và chứng minh UNESCO chưa hề vinh danh Hồ Chí Minh. Ông đã không đối chứng lại mà viết suông, na ná luận điệu trong hàng ngàn bài viết ca ngợi Hồ trong nước, cho rằng: “UNESCO đã công nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng Giải phóng Dân tộc, một nhà Văn hóa lớn vì Người đã làm sáng tỏ khát vọng ý chí của các dân tộc, giải quyết các mối quan hệ bằng phương thức hòa bình vì tương lai của nhân loại

 

“Khách quan mà nói, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành đối tượng nghiên cứu cho khoa học. Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh Bạn đọc nào hiểu ý nghĩa của câu này thì cũng nên khai thác thêm những “đỉnh cao trí tuệ” của Đảng.

 

 

 

Một bài viết với ngôn ngữ nặng nề, thoá mạ người Việt hải ngoại, lý luận khập khễnh được đăng trân trọng trên hàng đầu của trang báo mạng của Đảng nhiều ngày. Nếu những ngôn ngữ đầy tính giáo điều và áp đặt cùng những luận điệu phản khoa học (không chứng minh) này thuyết phục được trí thức và tuổi trẻ trong nước thì thật đáng buồn thay cho tương lai dân tộc Việt Nam!

 

 

 

 Tóm lại, một bài viết của một cá nhân như Cửu Long Lê Trọng Văn, tự xưng đã viết vài cuốn sách mà báo Đảng giới thiệu là “Việt kiều” cũng chỉ là những gì được lập đi lập lại từ những thành phần của Đảng nhiều năm qua. Không có gì mới mẻ, tuy nhiên, người viết vẫn phải khai thác mãi những điều mâu thuẫn của họ để dẫn chứng và nhấn mạnh âm mưu thâm độc. Người viết rất mong tuổi trẻ và đồng bào trong nước nói chung thấy ra được một vài điều mới trong những cái cũ rích mà người ta đã và đang nghe ra rả mỗi ngày. 

 

 

Bút Sử

 

10/2009

About truehochiminh

I write through researches from books of all aspects
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s