Trong 3 ngày thăm viếng tại Cuba, 26-28/ 9/2009, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam, đã tuyên bố một số lời trong một buổi họp mặt là đề tài cho nhiều người nhận xét – Có người ví von Việt Nam Cuba như Trời Đất sinh ra, một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hoà bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ. Việt Nam gác thì Cuba nghỉ.
Getty Image. Nguyen Minh Triet and President Cuba Raul Castro
Có nhận xét cho là một ông Triết với tư tưởng trống trơn, chỉ còn trong đầu vài ba câu tuyên bố có chút “cường điệu” giữa hai nước cộng sản yếu ớt đang nắm tay nhau. Ông không phải một tên hề, nhưng thật sự đang làm trò cười cho thiên hạ -đang nghèo đói phải đi xin viện trợ cả thế giới mà vỗ ngực tự xưng mình có nhiệm vụ “canh giữ hoà bình thế giới.” Những người khác thì cho rằng chẳng cần nghe ông Triết nói gì, chỉ nhìn vào phong cách hai tay “chém gió” và gương mặt “nhà quê” của ông cũng đủ là đề tài cho thiên hạ chế giễu. Ở đây, chúng ta hãy thử phân tách xung quanh ý nghĩa của những lời nói này với cái nhìn có tính lịch sử.
Vào những năm sau thế chiến thứ hai, 1945-1950, mặc dù Hoa Kỳ ngấm ngầm ủng hộ Pháp theo chân Anh trở lại Đông Dương để ngăn làn sóng đỏ cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo, nhưng Hoa Kỳ vẫn không tin mấy vào thiện chí của Pháp khi Pháp chưa hoàn toàn trao trả độc lập cho Việt Nam dưới sự lãnh đạo của quốc trưởng Bào Đại. Pháp viện lý do: không thể một ngày một bữa mà giao trọn quyền cho phe cánh quốc gia trong khi phải đương đầu với phe cộng sản càng lúc càng tinh vi thâm độc.
Tướng Pháp, Jean de Lattre tuyên bố, Why Vietnam by Archimedes Patti, (trang401):
We have no more interest here…We have abandoned all our colonial positions completely. There is little rubber or coal or rice we can any longer obtain. And what does it amount to campare to the blood of our sons we are losing and the three hundred and fifty million francs we spend a day in Indochina? The work we are doing is for the salvation of the Vietnamese people. And the propaganda you Americans make that we are still colonialists is doing us tremendous harm, all of us – the Vietnamese, yourself, and us.
Chúng tôi không còn quyền lợi gì ở đây…Chúng tôi đã hủy bò hoàn toàn những vị trí thực dân. Không còn chút nào cao su, than đá, hay lúa gạo mà chúng tôi có thể nắm giữ. Và cái mức độ nào để so sánh với máu đổ và mất mát của những người con của chúng tôi, và 350 triệu francs chúng tôi tiêu dùng mỗi ngày tại Đông Dương? Những việc chúng tôi đang làm là cho sự cứu vớt dân tộc Việt Nam. Và sự tuyên truyền những người Mỹ làm ra rằng chúng tôi vẫn còn là thực dân đang làm thiệt hại rất lớn cho chúng tôi, tất cả chúng ta – dân Việt Nam, các ông (người Mỹ) và chúng tôi.
Ngay khi có lời tuyên bố này của tướng de Lattre vào 12/1950 thì thế giới cũng đang chứng kiến ào ạt làn sóng đỏ lan tràn nhiều nơi, ngay cả tại Hoa Kỳ, khối cộng sản Stalin, Nam Mỹ, và Mao-Hồ Chí Minh ở Á Châu. Lời của tướng de Lattre trên cũng đồng nghĩa với những gì mà tướng de Gaulle nói với lãnh đạo Mỹ trước đó mấy năm khi tổng thống Truman còn do dự không biết có nên ủng hộ việc Pháp trở lại Đông Dương. Cuối cùng thì Hoa Kỳ với giải pháp chấp nhận cho Pháp trở về đương đầu với cộng sản và điều này lịch sử đã cho thấy rõ như vậy.
Ngay thời tổng thống Truman, ông đã có “Truman Doctrine.” Why Vietnam, (trang 383):
…that it must be the policy of the United States to support free people against direct and indirect communist aggression – Thuyết Truman – Đó phải là chính sách của Hoa Kỳ để ủng hộ những người tự do chống lại cộng sản xâm lăng một cách trực tiếp hay gián tiếp.
Sau Truman, tổng thống John Kennedy cũng rất cứng rắn qua chính sách đối đầu với cộng sản. Như vậy đủ rõ chính phủ Hoa Kỳ khá nghiêm túc trong việc thấy trước tai hoạ cho nền an ninh và hoà bình thế giới nếu để cộng sản hoành hành. Sau này chúng ta còn biết các tổng thống tài giỏi nữa, nói riêng về phương diện đối ngoại, như Richard Nixon và Ronald Reagan.
Ngay sau lúc Hồ Chí Minh thành lập chính phủ lâm thời tại miền Bắc vào 1/1946, sĩ quan tình báo Patti đã được lệnh cung cấp chi tiết về Hồ Chí Minh cho Abbot Low Moffat, trưởng cơ quan “Southeast Asian Affairs.” Patti viết, (trang 381):
It was extensive, particularly his career in the Comintern and his association with the Chinese Communist Party – Rất là sâu rộng, đặc biệt là cái nghề của ông ta trong Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản và sự liên hệ với Đảng Cộng Sản Trung Hoa.
Archimedes Patti là trưởng cơ quan tình báo Hoa Kỳ tại Đông Dương đã cung cấp tài liệu về Hồ Chí Minh như thế đã chứng tỏ Hồ Chí Minh không gì hơn là một bộ phận của quốc tế cộng sản, làm việc toàn thời gian cho quốc tế cộng sản (career – nghề toàn thời gian). Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Patti lại nhấn mạnh vai trò quốc gia của Hồ Chí Minh là trước và người cộng sản Hồ Chí Minh là thứ hai.
Đã có nhận xét cho rằng khi Hồ Chí Minh “thân thiện” với Patti, ông ta còn quá trẻ nên đã bị lôi cuốn bởi cung cách của ông Hồ (sắp sửa thành cha già) mà sau này biết ra Hồ có trên 174 tên họ, bí danh và bút danh để qua mắt thiên hạ. Patti không đưa ra luận cứ khi nhận xét như trên. Có thể nhà tình báo này chưa thông hiểu tường tận về đường lối hoạt động của các lãnh đạo cộng sản?
Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, nguyên tác Hoa ngữ, tác giả Tưởng Vĩnh Kính đã trình bày về Hồ Chí Minh, (trang 96):
Hồ Chí Minh đã rập khuôn theo các giáo điều của Cộng Sản Quốc Tế, đem cuộc vận động cách mạng Việt Nam chia làm hai giai đoạn: giai đoạn một, dùng chủ nghĩa dân tộc làm chiếc áo che ngoài và thiết lập chính quyền dân chủ của giai cấp tư sản; giai đoạn hai, thực sự đi vào cách mạng xã hội chủ nghĩa
Đường Kách Mệnh của Hồ Chí Minh ra đời 1927, lúc này ông Patti chỉ khoảng tuổi 14, trong đó Hồ Chí Minh đã ghi rõ “Cuộc vận động cách mạng ở trong mỗi quốc gia phải được kết hợp chặt chẽ với giai cấp vô sản quốc tế, công nhân và quần chúng nông dân phải phân biệt rõ giữa Đệ Tam và Đệ Tứ Quốc Tế.” Điều này chứng tỏ Hồ Chí Minh muốn mọi người dân phải theo Đệ Tam Quốc Tế như ông, nghĩa là liên kết với các quốc gia cộng sản khác trên thế giới, không phục vụ cho quyền lợi của quốc gia mình. Patti đồng thời nhấn mạnh Hoa Kỳ vẫn coi Hồ Chí Minh bành trướng làn sóng đỏ (red tide) không quan tâm Hồ có phải là người quốc gia hay không. Trung tá tình báo Archimedes Patti đã qua đời 4/1998, đã để lại một cuốn sách có giá trị lịch sử, trong đó trình bày nhiều dữ kiện, hiện tượng xảy ra, và ông là một nhân chứng quan trọng.
Vấn đề đáng trình bày và đặc biệt hơn Patti, đó là người đã từng nắm chức Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, 1961-1968, ông Robert McNamara, một nhân vật đi ngược lại đường lối của chính phủ ông sau khi ra khỏi chức vụ và ở tuổi về già. Năm 1995, McNamara cho ra cuốn In Retrospect The Tragedy and Lessons of Vietnam.
Kinh nghiệm của McNamara đến sau Patti về Hồ Chí Minh. McNamara cũng cho rằng Hồ là người cộng sản quốc gia, nhưng có luận cứ, không như ông Patti. In Retrospect (trang 33):
Why did we fail to consider China and Vietnam in the same light as we did Yugoslavia – a Communist nation independent of Moscow? For several reasons, I believe Tito seemed unique; he and Stalin had openly fallen out. China’s and North Vietnam’s heated rhetoric made us think they sought regional hegemony. And Cuba’s recent tilt toward the Soviet Union seemed illustrative of how ostensibly independent Third World movements quickly placed themseves within the Communist orbit. Thus, we equated Ho Chi Minh not with Marshal Tito but with Fidel Castro.
Tại sao chúng ta đã không xem Trung Cộng và Việt Nam giống như nước Nam Tư – một quốc gia cộng sản độc lập không lệ thuộc Moscow? Bởi nhiều lý do, tôi tin Tito coi như đặc biệt; ông ta và Stalin đã đổ vỡ một cách công khai. Lời huyênh hoang sôi nổi của Trung Cộng và Bắc Việt Nam làm chúng ta nghĩ họ mưu cầu quyền hành bá chủ một vùng. Và Cuba vừa nghiêng hẳn về Liên Sô đã cho thấy bề ngoài là phong trào của khối Thế Giới 3 đã nhanh nhẹn đặt mình vào quỹ đạo cộng sản. Như vậy, chúng ta đã đặt ngang hàng Hồ Chí Minh với Fidel Castro, không phải với Tito.
Tựu chung, McNamara tin rằng chính vì Hoa Kỳ nhìn Hồ Chí Minh sai lầm như vậy nên đã dẫn tới sự thất bại trong cuộc chiến. Dù sao đây chỉ là nhận xét cá nhân của McNamara, nhưng đáng ghi nhận ở chỗ ông đã từng nắm chức vụ quan trọng trong nguồn máy chỉnh phủ Hoa Kỳ. Ông còn đổ lỗi cho chính phủ Kennedy và hai Đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đã không thấy ra điều đó.
Tại sao McNamara lại có lối suy luận lạ đời như thế? Ai cũng biết Tito đã tách rời khối cộng sản quốc tế và ông chỉ biết lo cho riêng quốc gia mình. Năm 1948, Tito đã chấm dứt liên hệ với Liên Sô, không còn tiếp tay với du kích quân cộng sản Hy Lạp, còn Hồ Chí Minh năm 1948 bị Pháp đánh bạt vào rừng và chờ phe đỏ tiếp tay, 2 năm sau khi Hồ qua Pháp ở lại 4 tháng cầu cạnh Pháp về Việt Nam cùng phe Hồ cai trị, nhưng đã bị “phe hữu” trong chính phủ Pháp cứng rắn trừng trị. Năm 1948, Hồ Chí Minh lấy bút danh Trần Dân Tiên để ca ngợi người cộng sản quốc tế với chức danh Hồ Chủ Tịch. Trong lúc này Pháp đang yêu cầu vua Bảo Đại từ Hong Kong trở về chấp chính và thành lập quân chủ lập hiến, cũng là nguyện vọng của người dân miền Nam. Hơn nữa “Giải Pháp Bảo Đại” được Hoa Kỳ hỗ trợ. Hiệp Định Elysée được ký sau đó vào 3/1949 giữa Auriol và Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, hy vọng từ điểm này là cái thế cùng sự ủng hộ của toàn dân sẽ đẩy lùi phe cộng sản Hồ vào bóng tối. Nhưng rồi cuối 1949 Mao nắm quyền, và tiếp theo Mao-Stalin (Sino-Soviet) đã hà hơi tiếp sức cho Hồ Chí Minh để thắng trận Điện Biên Phủ và cuộc chiến ý thức hệ này kéo dài tới 30/4/1975.
Lập luận của ông McNamara cho rằng Hồ Chí Minh là người cộng sản quốc gia không thể chấp nhận được. Ông chỉ nhìn vào hiện tượng Tito và giai đoạn Hồ Chí Minh gián đoạn với quốc tế cộng sản, chưa được Stalin công nhận, mà quên đi rằng Hồ Chí Minh đã từng được quốc tế cộng sản huấn luyện phương cách làm thế nào để cướp chính quyền và đi đến đại đồng thế giới như Tưởng Vĩnh Kính đã trình bày. McNamara cũng đã không thấy ra lời tuyên bố của ông Hồ trong Đường Kách Mệnh là người dân phải biết phân biệt Đệ Tam Quốc Tế (Stalin) và Đệ Tứ, và năm 1927 này ông là thành viên của Đệ Tam được 4 năm. Chính Hồ Chí Minh nhìn nhận ông thuộc khối Đệ Tam và thẳng thắn chống Đệ Tứ Quốc Tế (Trotsky) thì tại sao ông McNamara lại gán cho ông Hồ là giống Tito, một cộng sản quốc gia? Hiển nhiên nhất là nhiều sách báo của Đảng luôn ca ngợi ông Hồ là một quốc tế cộng sản gương mẫu và luôn hô hào toàn dân phải có “nghĩa vụ quốc tế.”
Còn Fidel Castro? Đã có nhận định cho rằng sở dĩ Hoa Kỳ mạnh mẽ với Cuba vì đã có hiện tượng năm 1962 Liên Sô đặt vũ khí nguyên tử tại Cuba. Sau đó vũ khí được gỡ đi qua những cuộc thương lượng giữa Hoa Kỳ, Cuba, Liên Hiệp Quốc, nhưng “chiến tranh lạnh” lúc nào cũng như sắp sửa hừng hực kết thúc để thành “nóng” khi Castro và Liên Sô mỗi lúc chặt chẽ thêm, mà cái ngòi tại Cuba chỉ cách biên giới Hoa kỳ 90 miles đường chim bay. Cho đến nay, Hoa Kỳ đối với Cuba vẫn cứng rắn như xưa – cấm vận về kinh tế.
Chính vì chính phủ đo lường được đe doạ và hiểm hoạ từ Cuba nên dân Mỹ hiểu ngay không thể “làm bạn” với Castro, còn Hồ Chí Minh thì xa quá nên có thể xem nhẹ ông ta chăng? Hơn nữa, khi còn chiến tranh với Nhật, Hồ đã mang bộ áo quốc gia làm nhân viên liên lạc cho cơ quan tình báo Hoa Kỳ OSS. Sau khi cướp chính quyền, Hồ lại cố công yêu cầu Hoa Kỳ công nhận “chính phủ” vì lúc này Mao chưa nắm quyền, còn Stalin thì bận rộn xâm lấn Âu Châu. Hồ Chí Minh đã viết ít nhất 8 lá thư cho tổng thống Truman để yêu cầu giúp đỡ, nhưng không được trả lời. Hoa Kỳ đã thừa biết Hồ Chí Minh chỉ xanh vỏ đỏ lòng mà chính trưởng tình báo Patti cũng đã công nhận. Dù vậy, một số sách báo ở Hoa Kỳ, nhất là thành phần phản chiến luôn bảo vệ Hồ, cường độ cao thấp khác nhau, bên cạnh những tài liệu sử gia đã ghi ra trong giai đoạn chiến tranh lạnh quốc tế cộng sản đã chi ra 3 tỷ dollars mỗi năm cho công tác tuyên truyền tại Hoa Kỳ
McNamara trách rằng Hoa Kỳ đã xem Hồ Chí Minh giống như Fidel Castro, nhưng thật ra lịch sử cho thấy Hồ còn nguy hiểm hơn Castro nhiều. Hồ chẳng những làm tay sai cho Nga mà còn ngoan ngoãn nô lệ Trung Cộng, một nước càng lúc càng lộ ra mối đe doạ cho khối tự do.
Cộng sản có truyền thống đi hai hàng để tồn tại. Trong thế thừa thắng xông lên không ngớt ngợi ca đàn anh “Liên Sô vĩ đại,” rồi có lúc thân Tàu hơn thì tỏ tình “hữu nghị đời đời, môi hở răng lạnh”…Sau ngày thành trì Liên Sô sụp đổ thì nảy ra luận điệu cho rằng Hồ Chí Minh phải ngã theo cộng sản vì Hoa Kỳ bỏ rơi không công nhận. Sau lời của McNamara trong sách thì Đảng như lửa được thêm dầu, bất chấp mâu thuẫn. Có thể nói hàng ngàn sách báo viết về cuộc đời làm người cộng sản của Hồ từ khi gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp vào 1920, trờ thành quốc tế cộng sản 1924, lãnh lương từ Đảng quốc tế làm công tác do Nga Tàu giao phó.
Với vai trò quốc tế cộng sản của Hồ Chí Minh, Đảng hãnh diện đưa ra nhiều tên họ đảng viên quốc tế, báo chí các nước cộng sản có liên hệ mật thiết với Hồ. Trong Một Giờ với Đồng Chí Hồ Chí Minh do nhà xuất bản Thanh Niên, 1975, sách trình bày thư của những “đồng chí”: X. A-Gien-Đê (Chi lê), Báo An-Nát (An-giê-ri), Báo Ánh Điện (Ấn Độ), Bla-Ga Đi-Mi-Trô-Va (Bun-ga-ri), Báo Gơ-Ran-Ma (Cu-ba), Mác-Ta Rô-Giát (Cu-ba), Lép-Sen-Cô (Liên Xô), Báo Lơ-Phi-Ga-Rô (Pháp), v.v..
Nếu theo diễn giải của chủ tịch nước cộng sản Nguyễn Minh Triết vừa tuyên bố tại Cuba thì năm 1975 Lê Duẩn hay Tôn Đức Thắng cũng phải hô la là: Trời Đất sinh ra chúng ta, cả khối cộng sản gồm Liên Sô, Hungary, Ba Lan, Đông Đức, Trung Cộng, Bắc Hàn…Chúng ta thay nhau canh giữ hoà bình thế giới. Các nước kia thức thì Việt Nam ngủ. Việt Nam gác thì các nước kia nghỉ! Xét ra cũng có lý. Thời đó hay bây giờ Việt Nam “gác” cũng có nghĩa là làm công cho người khác, thừa lệnh đàn anh cầm súng răn đe, hăm doạ, hay ngay cả tàn sát nếu có “thế lực thù địch” đe dọa. Nhưng mà đàn áp hay tàn sát ai? Không ai hơn là đồng bào ruột thịt của mình, Đảng bắt dân câm miệng, chỉ biết tuân theo Đảng để có “hoà bình thế giới.” Vai trò “gác” của cộng sản Việt Nam được thể hiện qua lời của Đặng Tiểu Bình nói với các nhà báo ở Bắc Kinh: Chúng tôi có thể dung thứ việc Liên Sô có ở Việt Nam 70% ảnh hưởng, miễn là 30% còn lại dành cho Trung Quốc. Cuối cùng thì khi Nguyễn Minh Triết có mặt tại nước anh em Cuba vào cuối tháng 9, 2009, Trung Cộng không còn là 30% ảnh hưởng mà là 100%. Đàn anh Liên Sô đã tan rã, “thế giới” của cộng sản Việt Nam bị thu hẹp, mà theo Triết thì chỉ còn có Cuba và Việt Nam (đàn anh Trung Cộng giao việc) làm chuyện canh gác đối đầu “thế lực thù địch.”
Tóm lại, lời tuyên bố của Chủ Tịch Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã đương nhiên tái xác định vai trò quốc tế của Đảng Cộng Sản Việt Nam, lãnh đạo bởi Hồ Chí Minh. Tuyên bố này phần nào cũng đã vô hiệu hoá thêm nhận định của McNamara khi cho rằng Hồ Chí Minh là người cộng sản quốc gia.
Bút Sử
10/2009